Chia sẻ kinh nghiệm 9.0 IELTS listening qua phương pháp nghe chép chính tả cùng WELE

Đợt trước mình có chia sẻ cách dùng WELE để tăng kỹ năng Listening. Hôm nay mình vừa có điểm thi IELTS lần hai, và may mắn là mình đã đạt target. Bài post hôm nay của mình sẽ chia sẻ lộ trình chi tiết mình đạt đến số điểm Listening như hiện tại, hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho các bạn tiếp tục tin tưởng vào WELE.

I. Tổng quát

Tháng 8/2019: Mình học một khóa IELTS của một người bạn, lần đó thi overall được 6.5, kỹ năng nghe được 7.0 (mình học nghe bằng phương pháp nghe chép chính tả).

Tháng 12/2024: Mình tự học hoàn toàn, overall 8.0, kỹ năng nghe 9.0 (mình học nghe bằng nghe chép chính tả, nghe podcasts, truyện Tiếng Anh).

II. Lộ trình chi tiết

1. Tự học TA ở ĐH và … thất bại

Mình là dân khối A, trình độ TA bập bõm loanh quanh điểm 6, 7 suốt thời cấp hai, cấp ba (thời mình thì chỉ học ngữ pháp thôi, cô giáo có bật đài lên cho nghe một vài phần hội thoại TA mà hồi đó không hiểu họ nói cái gì =))). Lên ĐH, một phần cũng chưa có nhiều bài review chất lượng như thời bây giờ, phần nữa là mình cứng đầu muốn tự học TA. Nhưng vì lười nên kết quả học được mỗi cái phát âm TA trong suốt mấy năm. =)).

Khoảng năm 3, năm 4 đại học là mình có biết đến WELE rồi, thời đó WELE chưa có công cụ xịn xò như bây giờ, nhưng đội ngũ admin siêu nhiệt tình của WELE đã động viên mình nghe chép ra file word rồi gửi đến email chung của WELE, cơ mà hồi đó trình nghe của mình kém quá, nghe Spotlight mà nghe mãi không xong nổi một bài, thế là tận 2 năm mới nộp được 25 bài Spotlight cho WELE:v (Đấy là phải nhờ công các anh chị admin cực dễ thương + siêu chăm chỉ nhắn tin động viên mình thì mình mới nộp được từng đó bài)

2. Đăng ký học khóa IELTS và trình độ TA vẫn …. tệ hại

Sau khi tốt nghiệp ĐH, mình muốn đi làm ở trung tâm TA, nên mình đành đi học để thi chứng chỉ. Hồi đó mình ngây thơ lắm (hoặc nói thẳng ra là stupid, vô minh =))) nghĩ 6.5 hay 7.0 IELTS là phải sử dụng được TA kinh khủng lắm, kiểu xem phim không cần sub, bla bla… Đăng ký học một khóa IELTS, suốt ngày luyện đề (mình lại ghét luyện đề chứ), nghe Part 1 thì còn nghe ra, chứ sang Part 2, 3, 4 là thôi tắc tịt. Nhưng vì xót tiền bỏ ra nên cũng cố học hết khóa. Cộng thêm mình cũng nghe nhiều về tác dụng của phương pháp nghe chép chính tả, nên mình quyết định với những đề mình phải luyện, thì mình sẽ nghe chép lại chính tả toàn bộ. Kết quả là mình học cùng lớp với 5 bạn nữa, mình được 6.5 overall, còn các bạn khác loanh quanh 5.0, 5.5 gì đó.

3. Đồng hành cùng WELE

Tháng 8/2019 mình biết điểm IELTS xong, được 7.0 Listening lận, và ngộ ra là …. trình độ TA của mình vẫn rất rất kém, xem phim không hiểu, đọc sub rồi vẫn không hiểu, lượng từ mới vẫn siêu siêu ít. Và mình thấy thực sự lạc lối trong con đường học TA…

May là nhờ có các anh chị admin dễ thương của WELE động viên, mình hoàn thành được mốc 25 bài nghe chép chính tả vào tháng 12/2019… Rồi lúc đó được anh Hiếu nhắn tin mời làm admin. Ui, lúc đó mình vui lắm, mặc dù mình cũng bảo với anh là trình TA của em kém lắm, không biết có làm được admin không, nhưng anh động viên bảo là đầu tiên cứ làm các việc không cần trình độ TA lắm, sau đó sẽ nâng tầm lên sau. Thế là mình gắn bó với team admin của WELE suốt từ thời đó đến giờ. Một chặng đường dài và ý nghĩa.

Từ tháng 12/2021 – 11/2023 (sau này mình truyền nghề lại cho em gái mình) mình bắt đầu viết các bài lời dẫn Spotlight cho WELE. Thời gian đó mình xem thật kỹ phần script của bài nghe, tra hết các từ không hiểu (nếu gặp cụm từ khó thì mình nhắn tin vào nhóm admin, nhờ anh chị giải đáp), mình cũng kèm em gái mình nghe các bài Spotlight luôn, yêu cầu em dịch ra và để mình chữa bài dịch. Ngoài ra mình vẫn tiếp tục nghe chép chính tả trên WELE (mình nghe Spotlight đúng được khoảng 90% thì mình chuyển sang các bài, English at work, 6 minute English, TED, v…v…). Bằng cách này, trình độ nghe của mình tăng lên đáng kể.

Đến thời điểm mình nghe chép được 230 bài nghe trên WELE, mình bắt đầu quay lại nghe lần 2 các bài 6ME, bây giờ mình đẩy tốc độ nghe lên 1.5 lần.

Đến thời điểm mình hoàn thành 240 bài nghe, mình làm đề CAM listening ở nhà được khoảng 7.0-8.0 rồi.

4. Các nhân tố khác

Có một câu châm ngôn rất nổi tiếng trong TA If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.“. Mình có rất nhiều người đồng hành trong quá trình học TA, thứ nhất là WELE, thứ hai là chị đồng nghiệp cùng công ty mình, thứ ba là em gái mình, thứ tư là các bạn học sinh mình dạy học. Với chị đồng nghiệp của mình, 2 chị em có trình độ đầu vào tương đương nhau (cùng không biết gì), vậy nên hai chị em mình cùng học từ vựng ở quyển English Vocabulary In Use, học ngữ pháp quyển English Grammar In Use, luyện nói TA cùng nhau, gửi bài cho nhau hằng ngày để rèn kỷ luật học TA, vvv. Ngoài ra mình có dạy em gái mình và một vài học sinh khác nữa, nên trình TA của mình cũng được nâng lên thông qua các hoạt động đó.

Mình thích truyện Harry Potter nên sau khi đọc truyện TA, mình đã nghe đi nghe lại audio các phần mình yêu thích bằng TA nữa. Ngoài ra, mình thích nghe podcasts TA, nên điều đó cũng giúp ích cho mình rất nhiều. (Lưu ý: mình chỉ thực hiện các hoạt động này khi điểm các bài nghe chép chính tả 6ME, English at work, TED của mình ở tầm điểm 85-95%. Thời mình nghe Spotlight thì mình không nghe được podcasts Tiếng Anh – muốn nghe mà nghe không hiểu gì =]] )

Tất nhiên không thể bỏ qua giai đoạn luyện đề, nhưng thời gian luyện đề của mình chỉ bằng 1/10 thời gian mình nghe chép chính tả + podcasts các thứ thôi. =)))

5. Tổng kết

WELE là công cụ để luyện nghe, nên việc học các kỹ năng khác đòi hỏi bạn phải tìm thêm các nguồn tài liệu khác. Tuy nhiên việc học TA luôn luôn đến từ việc bạn phải làm chủ kỹ năng đầu vào (Nghe, Đọc) thì bạn mới có thể học được kỹ năng đầu ra (Nói, Viết). Vậy nên mình hy vọng bài viết này của mình đã phần nào cung cấp được cho các bạn một góc nhìn kỹ hơn về việc học TA.

Chúc các bạn luôn tìm thấy niềm vui khi học TA cùng WELE nhé! Hẹn gặp các bạn trong các bài chia sẻ trong tương lai!

Link gốc: https://www.facebook.com/groups/welelearn/posts/3448246028642770

Bài viết khác về cô Vương Thị Hoa

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *